Người thầy tâm huyết với nghề, gắn bó với học sinh miền núi gần 30 năm

Nghề giáo viên được đánh giá là nghề cao quý trong tất cả các nghề cao quý, điều đó được xã hội ghi nhận và tán dương những thành quả mà ngành GD và ĐT đã nỗ lực trong sự nghiệp “trồng người”.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước như hiện nay, đặc biệt là công cuộc CNH, HĐH đất nước thì vai trò Con Người luôn được đặt lên hàng đầu, bởi đó là yếu tố then chốt, quyết định trực tiếp đến sự hưng thịnh và suy vong của mỗi quốc gia. Vì vậy, người thầy người cô có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, là người trực tiếp ươm mầm cho những chồi non thêm lộc biếc, và chăm sóc những mầm xanh này cho ra hương thơm, quả ngọt cho đời. Thế nhưng, không phải  ở đâu, các thầy, các cô cũng có môi trường thuận lợi để phát huy khả năng của mình, đặc biệt đối với  huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, cơ sở trường lớp còn nhiều bất cập, tỷ lệ học sinh ra lớp chưa cao, ý thức học tập của học sinh và phụ huynh còn xem nhẹ; vì vậy trọng trách của các thầy cô rất nặng nề. Dù các thầy, các cô có những mảnh đời khác nhau nhưng lại có một tâm hồn cao đẹp, luôn hướng về tương lai của các em trong mai sau mà nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình. Trong tất cả các thầy cô công tác trên địa bàn huyện Đông Giang mà tôi đã gặp qua các lần đi công tác thì hình ảnh thầy Phạm Văn Chính- Phó hiệu trưởng trường Tiểu học xã Ba để lại trong tôi nhiều cảm xúc.

Cũng như nhiều sinh viên mới ra trường, thầy Chính háo hức tìm việc để cống hiến những tri thức mà qua bao tháng ngày được thầy cô truyền dạy để dạy lại cho học sinh. Năm 1987 từ quê nhà xã Hòa Nhơn- huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng anh đặt chân lên dạy học tại trường Tiểu học Tr’hy 2 năm, rồi được chuyển về Trường Tiểu học A Vương công tác 3 năm. Sau đó, thầy được điều về công tác tại Trường Tiểu học xã Ba từ đó đến nay. Lần đầu tiên đặt chân lên huyện miền núi, nhìn các em học sinh nhem nhuốc, áo quần xộc xệch, trong thầy gợi lên bao cảm xúc dạt dào, thương cảm. Mấy năm công tác, thế rồi anh cũng lập gia đình. Được phân công dạy ở các trường khác nhau, sống xa vợ con. Cái lạnh lẽo của khí  hậu và cái lạnh trong ngõ sâu tâm hồn khi phải xa gia đình vẫn không cản trở tình yêu trẻ trong thầy. Buổi sáng trước khi đến trường, thầy thường vào thôn vận động phụ huynh cho học sinh đi học, nếu không các em sẽ theo cha mẹ lên nương, lên rẫy làm việc. Biểu chiều, sau khi soạn bài và giáo án xong thì thầy lại xuống thôn cùng làm với nhân dân, hướng dẫn mọi người trồng cây bắp, tỉa cây đậu, cách thức chăn nuôi và phòng dịch bệnh. Nhớ lại khoảng thời gian mới lên miền núi và nhận việc, thầy tâm sự: Lên đây công tác mà không hoà nhập với nhân dân, không dựa vào dân thì  làm sao sống và làm việc. Phần đông học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số; sự nhanh nhẹn, khả năng nhận thức của các em còn nhiều hạn chế, việc truyền đạt kiến thức cho các em cũng không dễ dàng. Những năm trước, tình trạng học sinh bỏ học xảy ra khá thường xuyên do hoàn cảnh gia đình khó khăn hay do các em chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học. Những lúc như vậy, thầy Chính cùng những thầy cô giáo trong trường lại đến từng gia đình, gặp phụ huynh và các em học sinh để làm công tác tư tưởng, động viên các em tiếp tục đến trường. Khó khăn là thế, nhưng người thầy ấy chưa bao giờ nản lòng. “Tôi chỉ mong sao các em được học đến nơi đến chốn, chỉ khi có tri thức, các em mới có thể đưa gia đình mình và quê hương mình thoát khỏi đói nghèo– thầy Chính chia sẻ.

Gần 30 năm đứng trên bục giảng, thầy đã gặp nhiều em học sinh có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nhưng các em lại rất khao khát kiến thức. Trong lớp thầy luôn chú  ý theo dõi các em có học lực khá, hỗ trợ các em, từ sách vở, dụng cụ học tập và kèm cặp thêm kiến thức cho các em ngoài giờ trên lớp với tinh thần trách nhiệm và sự vô tư. Không những là giáo viên tâm huyết với nghề, được học sinh và bà con nhân dân quý mến, thầy Chính còn là người được tuyên dương bởi thầy đã hiến cho nhà nước trên 2.000 m2 đất để xây dựng trường học, là tấm gương điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM”

Gần 30 năm công tác trên huyện miền núi, cũng nụ cười hóm hỉnh, giọng nói nhỏ nhẹ, thân thiện, anh cho biết: ở đâu cũng là dạy học, cũng đem cái chữ cho con em đồng bào mình cả. Mỗi khi lên lớp, nhìn học sinh mình ê a đánh vần. Những cặp mắt trong veo, thơ ngây đang dán chặt vào từng trang sách tập đọc thì mới thấy học sinh nơi đây cần mình đến mức như thế nào? Thầy đã tâm sự với tôi như vậy.

Thầy Trần Tấn Viên, hiệu trưởng trường Tiểu học xã Ba cho biết : “Thầy Chính là một thầy giáo rất tận tâm với nghề và luôn rất nhiệt tình với các em học sinh. Trong quá trình công tác tại trường, thầy luôn chú ý tự trau dồi, nâng cao kiến thức cho bản thân. Chúng tôi đánh giá cao năng lực chuyên môn và những đóng góp của thầy đối với công tác giảng dạy trong trường những năm qua”

Nhiều năm qua, thầy Phạm Văn Chính liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và là  giáo viên dạy giỏi cấp huyện, và đặc biệt trong các năm học 2012-2013 đến năm học 2013-2014, 2014-2015 thầy Chính  được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc nhiệm vụ công tác.

  Tôi nghĩ, dù trải qua nhiều nơi giảng dạy, truyền cái chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều gian nan, khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề, yêu trẻ như anh Phạm Văn Chính, và các thầy cô khác thì những thử thách, gian nan ấy có đáng là bao!

Ngọc Vy

Tin liên quan

Thông tin người phát ngôn

Họ tên: Avô Tô Phương

Chức vụ: Chủ tịch UBND

Số điện thoại: 0908 499555

Email: phuongavt@quangnam.gov.vn