Ngày 14/9/2023, Đoàn công tác của huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam do đồng chí A Vô Tô Phương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam làm trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.Tiếp đoàn về phía huyện Trấn Yên có đồng chí Trần Nhật Tân, Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện; các đồng chí trong Thường trực, BTV Huyện ủy; thủ trưởng một số cơ quan, ban ngành của huyện.
Huyện Trấn Yên đã thông tin tới Đoàn công tác của huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam về thực trạng sản xuất, phương thức hoạt động, mô hình liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và thị trường đầu ra cho sản phẩm cây quế trên địa bàn huyện và cơ chế chính sách của tỉnh, của huyện về phát triển cây quế. Hiện nay, toàn huyện Trấn Yên có trên 20.000 ha quế, diện tích trồng quế được phát triển tại 21 xã, thị trấn. Trong đó, diện tích tập trung chuyên canh theo hướng hữu cơ 10.000 ha, diện tích đạt tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn trong nước trên 3.200 ha. Sản lượng vỏ quế khô hàng năm 5.000 tấn, thu nhập trên 400 tỷ đồng/năm. Sản phẩm Quế chủ yếu là phục vụ xuất khẩu, nhu cầu về các sản phẩm từ Quế ngày càng tăng, giá trị sản phẩm khá cao và ổn định, các sản phẩm đều qua chế biến sâu và có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ba sao trở lên. Gồm các sản phẩm: Quế điếu thuốc Đào Thịnh, Quế điếu thuốc và Bột quế gia vị Hòa Cuông, tinh dầu quế Đào Thịnh và các sản phẩm gia vị...Đối với sản xuất quế giống: Trên địa bàn huyện có trên 500 cơ sở, vườn ươm sản xuất và kinh doanh giống cây quế, với số lượng trên 20 triệu cây giống/năm được sản xuất (riêng xã Báo Đáp có trên 200 cơ sở sản xuất giống). Giá cây giống bình quân từ 600-1.000 đồng/cây; Đối với cây quế: Mật độ trồng trung bình 7.000 cây/ha. Thời vụ trồng vụ xuân và vụ Hè thu. Cùng với đó, huyện cũng thông tin với Đoàn công tác của huyện bạn những cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng quế, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu quế. Chương trình trồng Quế trên địa bàn huyện Trấn Yên đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nông dân trên địa bàn huyện, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo lập phương thức sản xuất hàng hoá trong cơ chế thị trường đối với người nông dân, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, mở rộng giao lưu hàng hoá dịch vụ, thay đổi và nâng cao nhận thức về tư duy và trình độ canh tác cho người dân, cải thiện môi trường, giảm thiểu thiên tai trong vùng…
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác, đồng chí A Vô Tô Phương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã cảm ơn sâu sắc sự đón tiếp và chia sẻ kinh nghiệm quý báu của huyện Trấn Yên trong việc trồng và sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế. Đặc biệt là trong khâu liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, khâu đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới 2 huyện Trấn Yên và Đông Giang tiếp tục học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị tại mỗi địa phương, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cũng trong chuyến thăm, Đoàn công tác của Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã đến thăm quan mô hình trồng quế, xưởng sản xuất Măng tre Bát Độ tại xã Kiên Thành và thăm quan Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Chiều cùng ngày, Đoàn cũng đã làm việc với huyện Mù cang Chải, tỉnh Yên Bái và tham quan mô hình ruộng bậc thang.