Tại diễn đàn đối thoại, hơn 50 câu hỏi được hội viên nông dân và phụ nữ địa phương đưa ra với nội dung liên quan các lĩnh vực như kinh tế, công tác cán bộ cơ sở, đất đai, văn hóa - xã hội, đặc biệt là công tác bảo tồn văn hóa truyền thống...
Liên quan đến chính sách hỗ trợ vay vốn, các đại biểu mong muốn chính quyền địa phương cần có thêm chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế; đồng thời định hướng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm đem lại hiệu quả cao, góp phần công tác xóa đói giảm nghèo.
Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm đến chế độ chính sách cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ thôn; tỷ lệ cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, chính quyền còn thấp. Công tác quản lý đất nông nghiệp chưa chặt chẽ; giải quyết cấp giấy quyền sử dụng đất cho người dân còn khó khăn về thủ tục; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường nước sinh hoạt... nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Các đại biểu đề nghị Nhà nước cần đầu tư đường dân sinh, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập và tạo điều kiện hỗ trợ giảm nghèo bền vững hiệu quả, thực chất. Quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, nhất là bảo lưu các giá trị văn hóa đặc sắc như nói lý - hát lý, múa tân tung - da dá, dệt thổ cẩm, đan lát,...
Bên cạnh trả lời trực tiếp một số nội dung đại biểu nêu, Bí thư Huyện ủy Đông Giang Đỗ Tài gợi mở nhiều câu chuyện làm ăn, phát triển kinh tế theo định hướng của địa phương. Theo ông Tài, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ quyết tâm chỉ đạo các ban, ngành liên quan của huyện trong việc định hướng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các đề án cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, trở ngại, hướng đến giải quyết thấu đáo các nội dung, vấn đề mà đại biểu quan tâm.