Điều này tạo động lực để đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, làng nghề và sản phẩm đặc trưng truyền thống của dân tộc mình, góp phần thực hiện Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Cứ đôi ba ngày, một chuyến xe chở đầy nông sản của Hợp tác xã sinh thái “Rừng xanh, rau sạch” ở xã vùng cao biên giới Ga Ry, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam lại xuôi về phố. Cô gái trẻ Cơ Tu Koor Thị Nghệ, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, những chuyến xe chở hàng xuống phố dịp cuối năm thường có măng rừng, lá đẳng sâm, cam, chuối, tiêu rừng, mật ong và nhiều loại rau củ sạch… Những sản phẩm vùng cao này được người tiêu dùng thành phố Đà Nẵng ưa chuộng.
Koor Thị Nghệ sinh ra và lớn lên nơi rẻo cao biên giới Ating, xã Ga Ry. Chị từng chứng kiến cảnh bà con phải đổ bỏ nông sản vì không có nơi tiêu thụ, trong khi thành phố luôn “khát” rau củ sạch. Năm 2021, được bạn bè và chính quyền địa phương hỗ trợ, Koor Thị Nghệ đứng ra thành lập Hợp tác xã sinh thái “Rừng xanh rau sạch” thu mua, chế biến nông sản vùng cao, đồng thời kết nối đưa sản vật xuống phố. Từ 12 xã viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã đã thu hút 22 thành viên tham gia.
Sau gần 2 năm hoạt động, Hợp tác xã sinh thái “Rừng xanh rau sạch” đã trở thành “bà đỡ” giúp đồng bào 4 xã vùng cao Tr’hy, A Xan, Ch’Ơm, Ga Ry của huyện Tây Giang tiêu thụ nông sản. Đồng thời, Hợp tác xã đầu tư trang bị hệ thống máy sấy, máy luộc, ứng dụng công nghệ để chế biến, đóng gói, nâng cao giá trị hàng nông sản. Ngoài ra, Hợp tác xã còn trồng 12 héc ta nguyên liệu măng, chuối, đẳng sâm, cam bản địa, táo mèo và nhiều loại rau củ khác. Koor Thị Nghệ mong muốn không chỉ khởi nghiệp cho riêng mình mà còn giúp cả làng khởi nghiệp, tạo sinh kế để bà con vùng cao thoát nghèo.
“Trước đây bà con chủ yếu sản xuất đủ dùng trong gia đình nếu dư thì vứt bỏ nên không bao giờ giảm nghèo được. Vì thế, tôi thành lập Hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, giúp họ phát triển kinh tế, có đồng ra, đồng vào. Sắp tới tôi dự định trồng vùng nguyên liệu A So làm cơ sở để phát triển sản phẩm OCOP; trồng chuối làm mô hình mẫu cho huyện Tây Giang, thêm vùng nguyên liệu măng nữa… Tôi có ý tưởng sẽ phát triển du lịch sinh thái gắn với nông sản”- Koor Thị Nghệ bộc bạch.
Khởi nghiệp ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, ngoài việc tạo sinh kế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, còn tạo động lực để đồng bào bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa, làng nghề và sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn. Câu chuyện khởi nghiệp của cô gái trẻ H’re Phạm Thị Y Hòa ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi là một ví dụ. Phát huy thế mạnh của thổ cẩm làng Teng cộng với năng khiếu về dệt thổ cẩm và thiết kế thời trang, Y Hòa đã tập hợp các mẹ, các chị, các em có cùng sở thích làm ra nhiều sản phẩm từ thổ cẩm cung cấp cho thị trường hàng trăm sản phẩm mỗi năm. Sản phẩm dệt thổ cẩm làng Teng của Y Hòa giờ không chỉ hấp dẫn ở trong nước mà đã vươn ra thế giới.
“Sản phẩm truyền thống khách hàng rất hạn chế, vì thế tôi hướng dẫn mọi người làm những sản phẩm thu hút khách hàng. So với cách đây 2 năm, mỗi tháng mình bán được 10 tấm thì nay con số này đã tăng lên gấp 5 lần. Đơn hàng nhiều nên thu nhập của 10 chị em trong Tổ thấp nhất cũng được 3,5 triệu đồng/tháng. Hiện tại cơ sở của tôi là đơn vị cung cấp sản phẩm nhiều nhất cho tỉnh Quảng Ngãi để làm quà tặng đối ngoại. Năm 2021, sản phẩm của tôi đã đi ra thế giới, có mặt tại Chương trình Expro Dubai 2020 và được 2 nhà thiết kế thời trang sử dụng trong trình diễn thời trang “Dòng chảy thời gian”. Sau đó, tỉnh đã đặt hàng, sử dụng làm quà tặng đối ngoại đưa đi các nước Châu Âu như: Thụy Điển, Pháp, Đức, Ý và năm nay là đi Nhật Bản và Hàn Quốc”- chị H’re Phạm Thị Y Hòa kể.
Thực tế cho thấy, hầu hết các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của các địa phương miền núi thời gian qua đều hướng đến khai thác thế mạnh tài nguyên bản địa; phát huy tối đa tri thức bản địa trong từng sản phẩm, xem đó là lợi thế so sánh để phát triển.
Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn đã mang lại những tín hiệu vui, góp phần thay đổi nhận thức, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo cho bà con vùng cao. Tuy nhiên, để lan tỏa phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bền vững thì còn gặp rất nhiều khó khăn và rào cản cần được tháo gỡ.
Anh B’riu Tư, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp bền vững và dịch vụ cộng đồng B’hồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam tâm sự: “Khó khăn nhất là tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, sản phẩm làm ra xã viên bán tại nhà, bán online. Bản thân tôi cũng đi kết nối doanh nghiệp, họ đòi hỏi cao lắm mà mình không có tài ăn nói nên rất khó khăn”
Chị A Lăng Thị Bé, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng thác Kazan ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ mong muốn: "Hợp tác xã du lịch cộng đồng thác Kazan hiện chúng tôi đang phát triển du lịch cộng đồng gắn với các ngành, nghề truyền thống. Trong quá trình khởi nghiệp, chúng tôi vẫn chưa tìm được công ty nào đó để tiêu thụ sản phẩm, vốn đầu tư còn ít. Mong muốn các cấp kết nối để sản phẩm chúng tôi đến gần với khách hàng cũng như tập huấn kỹ năng bán hàng…để HTX hoạt động tốt hơn”
Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, nguồn vốn đầu tư, quy trình, thủ tục giải ngân nguồn vốn hỗ trợ, đặc biệt là trình độ, năng lực quản lý hạn chế… cũng đang “làm khó” các chủ nhân khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS.
“ Khó khăn nhất đối với miền núi theo tôi là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bởi nó đòi hỏi phải có sự đầu tư cũng như phải có phương án hết sức chặt chẽ, kỹ lưỡng. Liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đòi hỏi người chủ phải có trình độ chuyên môn cao, chuyên môn sâu để làm sao tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nơi mình khởi nghiệp”- ông Tùng nói.
Khởi nghiệp không hề dễ dàng, khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số càng khó khăn gấp bội. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là chính sách về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đây là nội dung quan trọng trong dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1 từ 2021-2025.
Những năm gần đây, nhiều địa phương miền Trung cũng đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Chính quyền các địa phương miền núi cũng chủ động quy hoạch, định hướng, đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp. Trong số hơn 500 mô hình, ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, có không ít mô hình khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số mang lại hiệu quả cao, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
“Vào quý 3 và 4 hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Nam đều tổng hợp các dự án khởi nghiệp của thanh niên, đặc biệt là thanh niên miền núi, trong đó có phụ nữ để hỗ trợ các chính sách ưu đãi giúp các bạn trẻ miền núi khởi nghiệp và lập nghiệp. Đặc biệt hàng năm, Tỉnh Đoàn phối hợp với Ngân hàng CSXH chi từ 10 đến 15 tỷ hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ở miền núi. Nếu các bạn có nhu cầu vay vốn thì vay theo hình thức tín chấp, dưới 100 triệu thì chúng tôi sẽ thẩm định và cho vay. Đồng thời thành lập 1 chuyên trang riêng, thực hiện chuyển đổi số để quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, trong đó có thanh niên miền núi”- anh Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam khẳng định.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, là địa phương đi sau so với nhiều địa phương khác trên cả nước nhưng với cách đi mới và cách làm sáng tạo, linh hoạt, phong trào khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả, thiết thực: “Tháng 12/2017, tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đến năm 2025. Sau đó 18/18 địa phương của tỉnh, trong đó có 9 địa phương miền núi đã ban hành kế hoạch hành động. Đến nay 14/18 địa phương đã thành lập được câu lạc bộ khởi nghiệp. Mặc dù ban đầu còn rất nhiều bỡ ngỡ, khó khăn về mô hình các câu lạc bộ khởi nghiệp nhưng chúng tôi động viên, không ngừng theo dõi giúp đỡ để các câu lạc bộ này vượt qua khó khăn ban đầu và hiện nay đang vững bước phát triển, góp phần xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, phấn đấu mỗi xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 01 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Một mô hình được hỗ trợ phải tạo được việc làm, có hợp đồng thu mua sản phẩm cho ít nhất 15 hộ gia đình thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn; mỗi xã vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 01 sản phẩm được đưa lên sàn kinh tế hợp tác.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh việc hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối cá nhân, tổ chức chủ trì mô hình được tham gia các hoạt động của Hệ sinh thái thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi, các chủ thể khi được lựa chọn hỗ trợ sẽ được cấp một phần kinh phí để phát triển.
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự linh hoạt, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của các cấp chính quyền, ngành chức năng khu vực miền Trung đã làm cho khởi nghiệp không còn xa lạ với đồng bào các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn. Tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ngày càng lan tỏa sâu rộng mang lại những hiệu quả thiết thực. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho những bản làng dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn.