Qua 25 năm xây dựng và phát triển, phát huy công sức, thành quả của nhiều thế hệ, xã Jơ Ngây luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động; kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước.
Xã có diện tích tự nhiên 5.574 ha, với 692 hộ/2681 nhân khẩu, trong đó hơn 75% làm nghề nông. Năm 1999 toàn xã có 01 trường học tranh tre, vách nứa với 02 phòng học (với 5 giáo viên và 50 học sinh), chưa có trạm y tế. Đến nay xã có 10 điểm trường với 29 phòng học (gần 700 học sinh và 44 giáo viên), trạm y tế hiện nay có 9 giường bệnh, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Từ việc sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, chủ yếu tự cung tự cấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; chất lượng nguồn nhân lực thấp; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; các quy hoạch định hướng cho phát triển đều chưa được lập; bản sắc văn hóa người Cơ Tu bị mai một; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước trong nhân dân còn nặng… Đến nay tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt 1070 tấn, tăng 25 lần so với năm 1999; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 23 tỷ 184 triệu đồng, tăng 15 lần so với năm 1999; tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 33 triệu đồng, tăng 15 lần so với 25 năm trước.
Sau 25 năm tái lập, các hủ tục lạc hậu, mê tin dị đoan đã được đẩy lùi. Năm 1999 toàn xã chưa có hộ gia đình văn hóa thì đến cuối 2023 tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa của xã đạt 96,99%. Công tác chăm lo đối tượng chính sách, người có công, hỗ trợ xóa nhà tạm được quan tâm thực hiện. Xã Jơ Ngây cũng là nơi hội tụ, giao thoa nền văn hoá của 4 dân tộc anh em cùng chung sống, mang đến một nền văn hoá đa dạng, phong phú, đậm bản sắc.
Dịp này, UBND xã Jơ Ngây đã tặng giấy khen cho 14 tập thể và 31 cá nhân đã có thành tích xuất sắc góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương qua 25 năm tái lập.